Cai trị Hán_Tuyên_Đế

Đối nội

Lưu Tuân được sử sách mô tả là người tinh thông Đạo Lão và ít chuộng Nho giáo[2].

Khi làm vua, Tuyên Đế chú trọng việc dùng người tài, áp dụng những chính sách khoan thứ sức dân, giảm nhẹ các khoản thuế khóa và mở mang giáo dục. Nhờ đó, nhà Hán tiếp tục thời kỳ thịnh trị sau Vũ Đế và Chiêu Đế.

Để củng cố bộ máy hành chính, Tuyên Đế thực hiện tuyển lựa quan lại một cách chặt chẽ, nhất là quận thú các quận và quan lại bậc cao. Mặt khác, ông tăng bổng lộc của các quan bậc thấp lên gấp rưỡi[3].

Tuy làm được nhiều việc có lợi cho quốc gia nhưng Tuyên Đế cũng phạm phải sai lầm. Ông nghe lời gièm pha và giết hại các hiền thần như Hán Diên Thọ, Triệu Nghiễm Thần, Dương Uẩn, Cái Quảng Tiễn[4].

Đối ngoại

Để yên ổn biên giới phía bắc, Tuyên Đế giữ chính sách thân thiện với Hung Nô. Lúc đó Hung Nô xảy ra nội loạn: Thiền vu Hô Hàn Tà bị anh là Chất Chi đánh bại, muốn giao hảo với nhà Hán, bèn viết thư xin gặp Tuyên Đế. Tuyên Đế nhận lời. Khi Hô Hàn Tà đến, ông thân hành ra đón tiếp ngoài thành Trường An và mở yến tiệc chiêu đãi. Sau đó Hô Hàn Tà ở lại Trường An hơn 1 tháng.

Khi Hô Hàn Tà trở về, Hán Tuyên Đế sai 1 vạn quân đi hộ tống về đến tận Mạc Nam và biếu hơn 30 vạn đấu lương.

Nhờ chính sách hòa hoãn của Tuyên Đế, không chỉ Hung Nô mà nhiều quốc gia khác ở Tây Vực cũng thân thiện với nhà Hán[5].